Nghiên cứu đánh giá an ninh nguồn nước phục vụ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước: áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đồng Nai

Hệ thống sông Đồng Nai là hệ thống sông nội địa dài nhất Việt Nam; tuy chỉ lớn thứ nhì về diện tích lưu vực (38.600 km2, chỉ sau lưu vực hệ thống sông Cửu Long), nhưng hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy có vai trò to lớn đối với sự phát triển, nhưng bình quân tổng lượng nước chia cho đầu người mỗi năm ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc loại thấp nhất Việt Nam.

Mặc dù có vai trò to lớn trong việc cung cấp nước để phát triển những lãnh thổ năng động nhất Việt Nam, chất lượng nước của hệ thống sông này đang suy giảm theo chiều xấu đi ảnh hưởng mạnh đến an ninh nguồn nước (ANNN) toàn lưu vực sông nói chung và phần hạ nguồn - nơi hoạt động kinh tế xã hội năng động nhất hiện nay nói riêng. Tình hình khan hiếm nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã đến mức báo động khẩn cấp. Năm 2005, bình quân đầu người 2486 m3/năm (100%), năm 2010 chỉ còn ở mức 2.098 m3 /người/năm (84%); dưới ngưỡng 4000 m3 /người là mức thiếu nước theo tiêu chuẩn Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA). Theo dự báo phát triển dân số của vùng sẽ là 1.770 m3/người/năm (71,2%, năm 2020), giảm còn 1.475 m3/người/năm (59,3%, năm 2040) là mức khan hiếm nước.

Thực tiễn nêu trên cho thấy vấn đề ANNN đã được cảnh báo với những phân tích rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên chưa có những nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu về ANNN trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và tại lưu vực sông Đồng Nai nói riêng. Đó là lý do PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê cùng các cộng sự tại Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá an ninh nguồn nước phục vụ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước: áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đồng Nai” từ năm 2016 đến năm 2019.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng cơ sở khoa học đánh giá an ninh nguồn nước các lưu vực sông chính ở Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; và áp dụng thử nghiệm đánh giá an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai.

Đề tài đã tổng hợp các bộ chỉ số có khả năng áp dụng cho các lưu vực sông của Việt Nam: Diễn đàn nước Châu Á - Thái Bình Dương (2013) đã xây dựng bộ chỉ số đo lường ANNN ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gồm 5 nhóm chỉ số chính là: ANNN hộ gia đình, ANNN kinh tế, ANNN đô thị, ANNN môi trường và khả năng chống chịu đối với thiên tai do nước. An ninh nguồn nước tổng hợp được chia thành 5 mức: Mức nguy hiểm, mức cảnh báo, mức đảm bảo năng lực, mức hiệu quả và mức hình mẫu. Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước bao gồm 5 nhóm tiêu chí: Năng suất nhân tố tổng hợp và hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, giá trị kinh tế sử dụng nước sinh hoạt, giá trị kinh tế sử dụng nước nông nghiệp, giá trị kinh tế sử dụng nước công nghiệp, giá trị kinh tế sử dụng nước dịch vụ và hoạt động công.

Bốn thách thức đối với an ninh nguồn nước Việt Nam trong tương lai như sau: (i) Bốn lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng căng thẳng nước vào mùa khô; (ii) Vấn đề sẽ gia tăng nghiêm trọng hơn nếu vẫn giữ các hoạt động như hiện nay; (iii) Mâu thuẫn do phân bổ tài nguyên nước giữa nhu cầu phát triển thủy điện và các nhu cầu sử dụng nước khác có thể làm gia tăng căng thẳng nước; (iv) Dự báo tác động lớn lên nền kinh tế trong điều kiện hoạt động như hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an ninh nguồn nước áp dụng cho lưu vực sông Đồng Nai dựa trên khung đánh giá ANNN của Diễn đàn nước Châu Á - Thái Bình Dương (2013) khuyến nghị cho các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17300/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)