Nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường cửa sông đồng bằng sông Hồng, Việt Nam
- Thứ tư - 04/09/2024 00:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng cửa sông Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng có vị trí chiến lược trọng yếu, giàu tài nguyên thiên nhiên và là vùng kinh tế động lực của quốc gia. Cho nên, vùng bờ biển thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều ngành, lĩnh vực và cộng đồng người dân địa phương ven biển, nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người và trở thành đối tượng sử dụng đa ngành, đa mục tiêu. Việt Nam đang khai thác, sử dụng vùng bờ biển trong bối cảnh của một quốc gia đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế là các mục tiêu ưu tiên cao của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc khai thác không hợp lý nguồn tài nguyên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên như gây suy thoái tài nguyên, hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường. Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam có các con sông lớn như: sông Bạch Đằng, sông Thái Bình… chảy qua và đổ ra biển Đông. Các cửa sông lớn này là các thủy vực quan trọng đối với phát triển kinh tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng. Môi trường một số cửa sông lớn đồng bằng sông Hồng bị ô nhiễm bởi các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và nuôi trồng thủy sản. Nước sông và đất/trầm tích tại một số cửa sông này bị ô nhiễm dầu, vật chất hữu cơ độc hại và kim loại nặng. Việc nghiên cứu mức độ ô nhiễm vùng cửa sông và từ đó xác định nguồn gốc gây ô nhiễm có tác dụng to lớn trong việc quản lý môi trường các vùng cửa sông, bảo đảm an toàn thủy hải sản, cây trồng và sức khỏe cộng đồng. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu do ThS. Cù Thị Trâm dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường cửa sông Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” từ năm 2020 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá hiện trạng và dự báo mức độ ô nhiễm môi trường nước và trầm tích các vùng cửa sông lớn đồng bằng sông Hồng; nhận diện được các nguồn gây ô nhiễm; từ đó làm cơ sở đề xuất được các giải pháp làm giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường các vùng cửa sông lớn đồng bằng sông Hồng phục vụ công tác phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thuộc khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống văn vản pháp luật, cơ chế chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng hiệu quả cho công tác BVMT cũng như mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh. Nhận thức về BVMT của các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên đáng kể, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế.
Trong nghiên cứu, các tác giả đã đánh giá về đặc điểm điều kiện tự nhiên (khí hậu, thủy văn, hải văn, địa hình địa mạo, thủy thạch động lực, địa chất…), tài nguyên, tai biến thiên nhiên và KT-XH trên cơ sở thu thập tài liệu và điều tra bổ sung. Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, dự báo mức độ ô nhiễm môi trường nước, đất/trầm tích, bên cạnh việc xây dựng hệ thống bản đồ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng nghiên cứu (12 bản đồ). Bên cạnh đó, các tác giả đã đề xuất giải pháp BVMT phục vụ phát triển kinh tế bền vững các cửa sông đồng bằng sông Hồng. Sản phẩm phần khảo sát thực địa tại các cửa sông đồng bằng sông Hồng bao gồm: 1 báo cáo thực địa, 150 phiếu điều tra. Bộ sản phẩm gồm có: 12 bản đồ tỷ lệ 1/200.000 và 16 chuyên đề, 1 báo cáo tóm tắt và 1 báo cáo tổng hợp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19973/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)