Nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ, trang trại nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và liên kết với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chủ lực ở miền núi phía Bắc
- Thứ tư - 30/10/2024 13:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng núi phía Bắc Việt Nam chủ yếu sản xuất nông nghiệp thông qua kinh tế hộ và trang trại, với hơn 90% sản phẩm nông nghiệp do hộ nông dân và trang trại cung cấp. Điều này đòi hỏi cần có các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng lực quản trị cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết để đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, sản xuất manh mún và liên kết lỏng lẻo giữa nông dân, trang trại và doanh nghiệp vẫn còn phổ biến, khiến đầu ra sản phẩm không ổn định.
Việc đánh giá nguồn lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường của hộ nông dân và trang trại là cần thiết để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng cường liên kết với doanh nghiệp và thương lái. Mục tiêu là phát triển năng lực sản xuất hàng hóa và xây dựng các mô hình liên kết bền vững, nhằm thúc đẩy kinh tế hộ và trang trại phát triển hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng cần nghiên cứu và tổng kết các mô hình liên kết thành công để xây dựng mô hình phù hợp nhất cho khu vực miền núi phía Bắc, từ đó giúp phát triển chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
Rõ ràng là rất cần thiết đánh giá thực trạng nguồn lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường của hộ nông dân và trang trại tại các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm ra giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của hộ nông dân và trang trại trong sử dụng nguồn lực hợp lý cho sản xuất hàng hóa, tăng khả năng liên kết với doanh nghiệp, thương lái và nâng cao hiệu quả kinh tế, làm cơ sở đề xuất các chính sách thúc đẩy kinh tế hộ (KTH) và kinh tế trang trại phát triển (KTTT). Để KTH, KTTT phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh tạo cơ sở đề xuất giải pháp và chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn thì việc nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và phát triển liên kết của hộ, trang trại với thương lái, doanh nghiệp dường như đã trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS.TS. Đinh Ngọc Lan cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện “Nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ, trang trại nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và liên kết với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chủ lực ở miền núi phía Bắc” với mục tiêu đề xuất được chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ, trang trại nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và liên kết với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chủ lực ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Về cơ sở lý luận, thực tiễn về chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ, trang trại nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và liên kết với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp:
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của hộ/TT là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn
Đẩy mạnh liên kết ngang để có khối lượng hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh
Điều kiện đủ của bài toán chuỗi giá trị nông sản là phải tạo ra sự liên kết dọc từ người sản xuất đến người tiêu dùng
Chiến lược phát triển KTH, KTTT cần được thể hiện rõ nét trong các đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng như cần có đánh giá, tổng kết một cách đầy đủ, toàn diện về phát triển KTH, KTTT theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng KHCN, nghiên cứu chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ, TT nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và liên kết với thương lái, doanh nghiệp.
Về tổng quan vùng nghiên cứu và tiềm năng phát triển các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chủ lực:
Miền núi phía Bắc được đánh giá là một vùng có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, độ dốc lớn,… Cùng với đó là tình trạng SXNN nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; thu nhập của đại bộ phận nông dân còn thấp. Miền núi phía Bắc có nhiều sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, nhưng hiệu quả chưa cao do thiếu các liên kết theo chiều dọc, thiếu liên kết theo chiều ngang và đặc biệt thiếu những giải pháp hỗ trợ phát triển các mối liên kết này để có hiệu quả.Năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường của người nông dân, TT còn hạn chế, khó tiếp cận được với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong tình hình hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng dẫn đến tiêu thụ nông sản khó khăn, không kích thích được sản xuất phát triển. Mặt khác các doanh nghiệp khó tiếp cận đầu tư vào SXNN do không có/hoặc rất ít và năng lực còn yếu của tổ chức đại diện của nông dân làm đầu mối liên kết mà phải ký kết hợp đồng trực tiếp với rất nhiều hộ nông dân dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao và dễ gặp rủi ro.
Chuyển dịch cơ cấu giữa trồng trọt và chăn nuôi còn chậm, cơ cấu về giá trị sản phẩm lĩnh vực trồng trọt vẫn chiếm tỷ lệ cao trong ngành nông nghiệp so với giá trị lĩnh vực chăn nuôi; Đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp với nguyên nhân là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn ở qui mô hộ gia đình.
Trong số các sản phẩm chủ lực ở miền núi phía Bắc, chè được đánh giá vừa là sản phẩm chủ lực quốc gia, vừa là sản phẩm chủ lực của khu vực hoặc của tỉnh bởi lợi thế so sánh của cây trồng này thích hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng khu vực, do 55 đó có giá trị gia tăng và lợi nhuận cao. Cùng với đó là các sản phẩm khác như bò, gà, CAQ có múi (cam), ngô, lợn, rau quả ôn đới, ... cũng được xem là lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm chủ lực được xác định không đồng đều giữa các tỉnh do không có các tiêu chí thống nhất (Thái Nguyên 9, Bắc Giang 8, Phú Thọ 10, Tuyên Quang 6, Sơn La 18, Lào Cai 15 sản phẩm chủ lực). Kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất trong tổ chức và phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh là thị trường, tiêu thụ nông sản và tiếp cận đất đai.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20315/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)