Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp
- Thứ sáu - 22/09/2023 00:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việt Nam là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Diện tích đất có mặt nước ven biển tươngđ ối lớn, cùng với hàng loạt hệ thống sông đổ ra biển đã tạo nên những vùng đất bãi bồi ven biển.
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2018, cả nước có tổng diện tích đất có mặt nước ven biển là 113.898ha. Diện tích đất này có một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinhtế- xã hội của các tỉnh ven biển và các ngành kinh tế biển của đất nước. Hiện nay, việc khai thác diện tích đất bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển chủ yếu sử dụng vào mục đích khai thác và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực thuận tiện phát triển giao thông trên biển và thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống cảng biển, bến bãi, kho tàng, nhiều nơi đã hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch và dịch vụ ven biển…
Ở nước ta, vùng ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển trước đây mới ở mức độ hạn chế chưa đánh giá được tác động đến suy giảm tài nguyên thiên nhiên và quá trình phát triển của vùng. Hiện nay, do sức ép về dân số, do nhu cầu riêng của từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế, từng địa phương và cộng đồng dân cư, việc khai thác các loại tài nguyên ở vùng ven biển ngày càng tăng, nhiều trường hợp sử dụng đất đã gây hại cho hệ sinh thái như hủy hoại các nơi sinh sống của nhiều loài, gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi kinh tế trong vùng, đòi hỏi phải được đặt trong quy hoạch tổng thể.
Các cấp, các ngành trong những năm qua đã quan tâm đến việc xây dựng chính sách, pháp luật để quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, nhưng hệ thống các văn bản chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện, đã làm giảm hiệu quả công tác quản lý tài nguyên đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển. Việc quản lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển của các địa phương còn nhiều bất cập, các hoạt động khảo sát, đo đạc bản đồ, xác định ranh giới, thống kê diện tích đất khu vực bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Khu vực đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển hầu hết các địa phương chưa triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ yếu chỉ được đề cập một phần trong các quy hoạch chuyên ngành hoặc quy hoạch chi tiết khi thực hiện các dự án…
Trong thời gian qua, việc khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Các hình thức chủyếu là khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp; trồng rừng ngập mặn để chắn sóng, chống bão; đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, làm đường sá, cảng hàng hải và phát triển du lịch, dịch vụ ven biển...Các hoạt động có sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển còn thiếu định hướng quy hoạch, có nơi làm suy giảm hệ sinh thái, xâm phạm vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, gây sạt lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch vùng cửa sông ven biển, ô nhiễm môi trường… nhất là những nơi bị tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu quản lý đất đai cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Đào Thị Thanh Lam thực hiện “Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp” với mục tiêu: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp; Đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp (đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thươngmại, dịch vụ; đất công trình giao thông tĩnh; đất công trình năng lượng).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Vùng ven biển có vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng an ninh quan trọng đối với cả nước, là vùng có các nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; có hệ thống giao thông thuận tiện… là môi trường thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vùng ven biển cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất củacác hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và quá trình xâm nhập mặn qua các cửa sông và mạch nước ngầm; hiện tượng xói lở bờ biển, cửa lạch; hiện tượng bồi lắng các cửa sông… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
Đã hệ thống được hệ thống các chính sách pháp luật đất đai và các chính sách pháp luật khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển cho thấy hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện và quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện làm giảm hiệu quả đối với công tác quản lý đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển như một số các quy định về thống kê, kiểm kê đất có mặt nước ven biển; các quy địnhvề lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển.
Kết quả phân tích đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển cho thấy: Công tác quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển ở các địa phương ven biển đã được quan tâm hơn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: (i) Diện tích đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển nhiều địa phương chưa được đo đạc, xác định diện tích ranh giới trên bản đồ địa chính; (ii) Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương ven biển chưathể hiện đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển; (iii) Công tác giao đất, cho thuê đất còn thiếu thống nhất giữa các địa phương ven biển trên cả nước, còn nặng về thủ tục hành chính; (iv) Công tác đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, đến nay mới có gần 50% diện tích đất BBVB, đất có mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (v) Công tác thống kê, kiểm kê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa có quy định thống nhất về phương pháp và công nghệ thực hiện; các chỉ tiêu sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa được quy định rõ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; (vi) Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chưa được các tỉnh có biển quan tâm thực hiện thường xuyên.
- Đối với việc sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển ngày càng được đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội và tiềm năng đất đai của các địa phương ven biển.Việc sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào các mục đích phi nông nghiệp đều có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó tăng mạnh nhất là đất khu công nghiệp,cụm công nghiệp; đất giao thông; đất thương mại, dịch vụ du lịch…tạo điều kiện thu hút việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ven biển. Tuy nhiên, đây là vùng đất không ổn định có quy mô diện tích, ranh giới chưa được hoạch định rõ ràng, nên tranh chấp vẫn xảy ra không chỉ đối với các hộ gia đình, cá nhân mà còn xảy ra đối với các xã, các huyện giáp biển rất khó giải quyết.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18754/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)