Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý nhiệt mối hàn bằng điện trở

Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hàng loạt các công trình công nghiệp quan trọng như nhà máy nhiệt điện, hóa chất, lọc dầu, các dàn khoan, đường ống dẫn dầu khí… được xây dựng.

Chỉ tính riêng đối với ngành điện, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 [1], dự kiến đến năm 2020 sản lượng điện đạt từ 265 đến 278 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 571 đến 700 tỷ kWh. Ngoài ra, theo dự báo của Viện Năng lượng, tổng công suất đến năm 2040 cần đạt khoảng 215.400 MW, điện lượng khoảng 940.600 tỷ kWh; đến năm 2050 là 285.800 MW, điện lượng 1.183.600 tỷ kWh. Như vậy, năm 2020 công suất điện cần tới 60.000 MW, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW, có nghĩa là tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 đến 7.000 MW/năm. Để đảm bảo đạt được mục tiêu sau 12 năm nữa, (tới năm 2030) tổng công suất điện và sản lượng điện tăng gấp trên 3 lần (năm 2018 tổng công suất nguồn điện cả nước mới có 47.750 MW, sản lượng điện 192,1 tỷ kWh) cần phải có những giải pháp đột phá mạnh mẽ, trong đó có xây dựng thêm nhiều nhà máy điện mới, chủ yếu là nhiệt điện than (60 - 70%) và nhiệt điện khí, bao gồm cả khí hóa lỏng LNG (30 - 40%) có công suất lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, có tuổi thọ và khả năng làm việc ổn định, tin cậy; dần thay thế các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp, gây ô nhiễm môi trường. Một trong những nội dung công việc lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tiến độ xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành các công trình nói trên là nguyên công hàn các kết cấu, thiết bị công nghệ như các đường ống dẫn, các bình, bồn áp lực… Những nguyên công này luôn đòi hỏi đồng thời phải thực hiện xử lý nhiệt mối hàn để đảm bảo chất lượng, tuổi thọ, khả năng làm việc ổn định, tin cậy của cả công trình. Hiện tại, nhu cầu sử dụng các thiết bị xử lý nhiệt mối hàn ở trong nước là rất lớn. Với một nhà máy nhiệt điện, số lượng mối hàn các loại trung bình cần xử lý nhiệt trước, trong và sau quá trình hàn lên đến hàng vạn, phải cần đến cả chục thiết bị xử lý nhiệt hoạt động liên tục, chưa kể đến lúc 4 cao điểm cần huy động đến 15 - 20 thiết bị. Trong tương lai gần, để đảm bảo nhu cầu về năng lượng điện cho nền kinh tế quốc dân, cần bổ sung thêm hàng trăm thiết bị xử lý nhiệt mối hàn mới có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ xây dựng các công trình.

Để thiết thực phục vụ nhu cầu cấp thiết của sản xuất, năm 2018, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Thu Hiền, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin đã đăng ký và được Bộ Công Thương phê duyệt cho thực hiện đề tài: "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị xử lý nhiệt bằng điện trởnhằm chủ động thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý nhiệt mối hàn bằng điện trở. Cải tiến công nghệ của nước ngoài về thiết bị xử lý nhiệt, tạo lập phần mềm, hệ thống điều khiển phù hợp với điều kiện làm việc và môi trường khí hậu nước ta. Đồng thời, chế tạo được thiết bị sử dụng các nguyên liệu, linh kiện sẵn có của Việt Nam đáp ứng các công trình công nghiệp tại Việt Nam.

Đề tài đã thực hiện theo đúng đề cương đã đăng ký, các nội dung cơ bản của đề tài đã hoàn thành:

- Chế tạo thành công thiết bị Xử lý nhiệt TVCI-IEMM, có công suất 75 kVA, nguồn vào AC 3 pha 380 V/50 Hz, có khả năng điều chỉnh điện áp, có 06 kênh điều khiển nhiệt độ;

- Tính toán các thông số, thiết kế bộ vỏ, thiết kế mạch và phần mềm điều khiển;

- Lập quy trình chế tạo, lắp đặt, quy trình vận hành thiết bị;

- Đánh giá chất lượng trong quá trình chạy thử không tải, có tải tại phòng thí nghiệm và tại công trường.

Đề tài mang tính thực tế và có khả năng ứng dụng cao trong kỹ thuật sản xuất tại các công trình công nghiệp. Khắc phục được hầu hết các vấn đề bất cập mà các thiết bị xử lý nhiệt nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn tại. Nhóm đề tài đề nghị Bộ, Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện cho sản phẩm đề tài sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi phục vụ sản xuất, thay thế hàng nhập khẩu và tạo điều kiện cho Viện được tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm đề tài; nghiên cứu chế tạo các dòng sản phẩm xử lý nhiệt dạng khác để phục vụ nhu cầu đa dạng của các ngành kinh tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16684/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)