Nghiên cứu ứng dụng Hệ thống cảnh báo sớm sạt/lở

Hiện tượng sạt, lở đã và đang xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên... Sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ngày càng khốc liệt và dồn dập. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, tại TP.Cần Thơ đã xảy ra 17 vụ sạt lở (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019) với tổng chiều dài hơn 1.000m, ảnh hưởng đến 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn, thiệt hại tài sản hơn 12 tỉ đồng. Các quận, huyện xảy ra sạt lở gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh.

Nhiều tuyến đê biển ở một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra. Đã có hàng chục kilômét đê biển ngày đêm bị ảnh hưởng, những vạt rừng phòng hộ ven biển bị cuốn trôi. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển các tỉnh ĐBSCL. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm. Đặc biệt, khoảng ba năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển đã đi sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều dãy rừng ngập mặn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, hiện tượng này đang có dấu hiệu lan rộng với quy mô ngày càng lớn.

Quy trình vận hành của hệ thống. Ảnh: T.L.

Nhằm cảnh báo sớm hiện tượng sạt, lở đã và đang xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên... Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI - Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) đã phối hợp với Viện địa lý tài nguyên TP.HCM giới thiệu “Hệ thống cảnh báo sớm sạt, lở theo thời gian thực” do Trung tâm nghiên cứu GIS - Trường đại học Feng Chia Đài Loan (Trung Quốc) nghiên cứu và triển khai. Cũng theo Viện địa lý tài nguyên TP.HCM, công nghệ này sẽ giúp cảnh báo sớm về sạt/xói lở theo thời gian thực và đưa ra những giải pháp ứng phó với hiện tượng này nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Hệ thống bao gồm: trung tâm số liệu, trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến chấn động, cảm biến căng kế và thiết bị đo độ cao mực nước bằng sóng radar (Radar water level meter). Công nghệ ứng dụng hệ thống quan trắc hoạt động liên tục 24/24 và được vận hành dễ dàng. Cảm biến kết hợp với nền tảng thông tin quan trắc được tích hợp sẵn với hệ thống dự báo lũ. Do đó, người dùng có thể truy xuất dữ liệu từ máy tính hoặc cập nhật dữ liệu qua mạng di động kết nối Internet. Dữ liệu sau khi phân tích, xử lý sẽ đưa ra ngưỡng cảnh báo thiên tai gửi về các cơ quan quản lý nhằm chủ động hơn trong việc phát hiện sớm nguy cơ, rủi ro, giúp giảm nhẹ thiệt hại về tài sản, con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Trên thực tế, quá trình nghiên cứu của Viện địa lý tài nguyên TP.HCM cho thấy, hệ thống được triển khai, ứng dụng hiệu quả tại Đài Loan và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Với điều kiện tự nhiên của Đài Loan và Việt Nam là tương đồng nhau nên việc áp dụng thành công ở Đài Loan là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng.

Và lần đầu tiên tại Việt Nam, một hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm ở Bản Khoang, (Sapa, tỉnh Lào Cai).

NASATI