Nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật tổng hợp phát triển hồ tiêu bền vững
- Thứ hai - 10/07/2023 11:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với những yêu cầu ngày càng cấp thiết về phát triển ngành hồ tiêu theo hướng bền vững cũng như các yêu cầu từ thực tế sản xuất thì các nghiên cứu về cây hồ tiêu trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào một số vấn đề như sau:
Đa dạng hóa bộ giống hồ tiêu cho sản xuất, các giống này cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận và lưu hành trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam. Những giống hồ tiêu có thể mang một hoặc nhiều tính trạng liên quan đến năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu.
Những biện pháp kỹ thuật góp phần quản lý hiệu quả hơn, triệt để hơn những loài vi sinh vật gây hại phát sinh từ đất. Bên cạnh đó, những biện pháp góp phần phục hồi, nâng cao sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng cũng cần được quan tâm chú trọng. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét trong thời gian tới.
Đề tài “Nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật tổng hợp phát triển hồ tiêu bền vững” do nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Trần Quyện tại Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với mục đích đóng góp một phần vào định hướng phát triển trên.
Mục tiêu của đề tài là tuyển chọn được giống và hoàn thiện một số biện pháp kỹ thuật góp phần phát triển hồ tiêu bền vững.
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Xây dựng được 0,3 ha vườn tập đoàn lưu giữ 48 mẫu nguồn gen giống Hồ tiêu.
- Xây dựng được 0,24 ha vườn cây đầu dòng cung cấp giống cho sản xuất đại trà tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
- Tuyển chọn và đề xuất công nhận được 02 giống tiêu là Vĩnh Linh và Lộc Ninh.
- Đề xuất 02 tổ hợp ghép có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh, chết chậm. Bước đầu xác định kỹ thuật lai giống hồ tiêu.
- Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng mới và quy trình canh tác tổng hợp phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu tại các vùng trồng chính (quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật).
- Xây dựng được 03 ha mô hình canh tác tổng hợp hồ tiêu kinh doanh tại Gia Lai, Bình Dương và Quảng Trị;
- Xây dựng 01 mô hình trồng mới (0,3ha) đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt 90 %.
Kết quả của đề tài tạo cơ sở khoa học cho công tác chọn tạo giống và các biện phát kỹ thuật quản lý hiệu quả hơn những vi sinh vật gây hại phát sinh từ đất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18640/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)