Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng

Theo UNESCO (1995), khu dự trữ sinh quyển (khu DTSQ) là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa giữa bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật được quốc tế công nhận. Khu DTSQ thể hiện sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển thông qua việc thực hiện 3 chức năng là bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục, đào tạo thông qua việc quy hoạch thành ba vùng rõ rệt: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp (UNESCO, 1996).

Hiện nay, Việt Nam có 9 khu DTSQ được thế giới công nhận: (1) Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, công nhận năm 2000; (2) Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, thuộc địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Lắc, công nhận lần đầu năm 2001; (3) Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà, tỉnh Hải Phòng, công nhận năm 2004; (4) Khu Dự trữ Sinh quyển ĐNN ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng, thuộc địa phận 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, công nhận năm 2004; Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang, công nhận năm 2006; (6) Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An, tỉnh Nghệ An, công nhận năm 2007; (7) Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau, công nhận năm 2009; (8) Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm, TP. Đà Nẵng, công nhận năm 2009 và (9) Khu Dự trữ Sinh quyển Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng, công nhận năm 2015 (UNESCO, 2015). Tổng diện tích của các khu DTSQ này lên tới 4.345.584 ha phân bố ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Tại các khu DTSQ này chứa đựng những giá trị ĐDSH, nhiều hệ sinh thái đặc thù, với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và nguồn thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của khu DTSQ sông Hồng nói chung vẫn còn nhiều bất cập. Quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các dịch vụ HST đặc biệt đối với đất ngập nước (ĐNN) chưa khôn khéo, nghĩa là “Quản lý, sử dụng chưa đảm bảo duy trì các đặc tính sinh thái, đạt được thông qua việc áp dụng các cách tiếp cận hệ sinh thái, trong bối cảnh phát triển bền vững”. Quản lý ở đây còn mang tính chồng chéo, chưa được thống nhất. Các chủ trương, chính sách được ban hành nhưng thiếu các biện pháp kiểm tra của các cấp quản lý nên thực hiện kém hiệu quả. Một số chính sách còn chưa sát thực tế, chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển ĐDSH, đặc biệt đối với ĐNN. Không những vậy, những hoạt động phát triển kinh tế của con người hay những yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên cũng đã tác động tiêu cực đến chính ĐDSH của hệ sinh thái ĐNN này như: Chặt phá rừng ngập mặn (RNM) để nuôi trồng thủy sản; Khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên quá giới hạn; Khai thác bằng các công cụ, phương pháp mang tính hủy diệt đã làm mất dần khả năng phục hồi của các quần xã sinh vật; Gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước và đất ở nhiều vùng đất ngập nước; Tác động của biến đổi khí hậu;… Do đó, kết quả bảo tồn, duy trì và phát triển các HST mà ở đây đặc trưng là ĐNN chưa mang lại hiệu quả cao.

Từ thực tiễn trên, đề tài Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý, sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển liên tỉnh Châu thổ Sông Hồngdo Cơ quan chủ trì Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lại Minh Hiền thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại không chỉ riêng cho khu DTSQ sông Hồng mà còn làm căn cứ, tham khảo cho các vùng ĐNN khác.

Đề tài đã xây dựng các luận cứ khoa học (lý luận và thực tiễn) về quản lý sử dụng khôn khéo ĐNN trên thế giới, tại Việt Nam từ phát triển bền vững đến bảo tồn đa dạng sinh học; khu dự trữ sinh quyển và đến vấn đề quản lý sử dụng khôn khéo ĐNN. 2. Đã phân tích được những lý luận thực tiễn về quản lý sử dụng khôn khéo ĐNN tại khu DTSQ sông Hồng thông qua việc phân tích: Hệ thống các văn bản pháp luật; Bộ máy quản lý; Và việc quản lý sử dụng khôn khéo ĐNN (bao gồm các nội dung: Phân loại HST; Lượng hóa giá trị ĐNN; Duy trì dịch vụ HST; Kiểm kê, giám sát, đánh giá ĐNN và đánh giá những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến duy trì HST ĐNN). Đồng thời kết hợp phân tích, đánh giá hiện trạng khu DTSQ sông Hồng làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng khôn khéo ĐNN tại khu DTSQ này.

Đề tài cũng đã triển khai và hoàn thành các mô hình cộng đồng tham gia và quản lý sử dụng khôn khéo ĐNN gồm: (1) Mô hình tăng cường năng lực du lịch sinh thái vùng lõi và hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng vùng đệm thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy; (2) Mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình; (3) Mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý sử dụng khôn khéo đất ngập nước tại khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thái Bình. Các mô hình này đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với vấn đề bảo tồn, duy trì và phát triển hệ sinh thái ĐNN. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, tăng cường mức độ tham gia của cộng đồng trong quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên ĐNN.

Trên cơ sở những luận cứ khoa học, bằng cách tiếp cận HST, tính hệ thống và các cách tiếp cận khác thông qua các phương pháp điều tra thực địa, hồi cứu tài liệu, phương pháp chuyên gia và phương pháp đánh giá mặt được, chưa được, khó khăn và thách thức (SWOT) trong các nội dung về chính sách hiện có, được cụ thể hóa qua các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước; về công tác quản lý; về bộ máy điều hành, ban quản lý; về thực hiện các nội dung của sự quản lý sử dụng khôn khéo bao gồm: Phân loại, lượng hóa giá trị, dịch vụ HST, chia sẻ lợi ích đất ngập nước và những yếu tố ảnh hưởng tác động đến HST ĐNN để đề xuất một số chính sách quản lý, sử dụng khôn khéo.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16953/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)