Xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam
- Thứ ba - 23/07/2024 11:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng từ lâu, tuy nhiên hiện chưa có ứng dụng thực sự nào có ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội Việt Nam. Trong thời gian tới, các ứng dụng IoT được dự báo sẽ trở nên phổ biến, có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống với các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh.
Hầu hết các hệ thống IoT lớn tại Việt nam đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động và máy tính. Đặc biệt, các thiết bị phần cứng chủ yếu được nhập khẩu. Giai đoạn hiện nay là thời điểm thích hợp nhất cho Việt nam để tham gia chuỗi giá trị IoT, do các nguyên nhân sau:
- IoT đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển, chưa được định hình hoàn toàn, đặc biệt là các chuẩn công nghiệp trong kết nối và bảo mật.
- Số lượng thiết bị IoT cho thị trường Việt Nam còn ở mức thấp, chưa đủ hấp dẫn để các hãng quốc tế tập trung cung cấp giải pháp toàn diện.
Đứng trước tiềm năng và thách thức to lớn đó, các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới cũng đã tiến hành xây dựng lộ trình công nghệ cho việc phát triển ứng dụng IoT, làm cơ sở để triển khai các định hướng phát triển công nghệ và ứng dụng trong thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ nhiệm đề tài Đặng Minh Tuấn cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC thực hiện “Xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam” với mục tiêu: Lập được bản đồ công nghệ của Internet of Things (IoT) và xây dựng được lộ trình đổi mới công nghệ IoT tại Việt Nam, trong đó tổng hợp một cách cơ bản và 15 có hệ thống các công nghệ hiện có tại Việt Nam và trên thế giới và mối liên hệ giữa sản phẩm - công nghệ; Nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, từ đó gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước trước thách thức toàn cầu hóa. Đồng thời giúp họ tận dụng được các cơ hội do IoT mang lại, cũng như giảm thiểu các rủi ro về đầu tư chệch hướng do thiếu thông tin và thiếu định hướng.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết về hiện trạng công nghệ công nghệ IoT của Việt Nam, khoảng cách của mỗi công nghệ so với thế giới. Cùng với đó là các phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường của thế giới. Theo kết quả, nhóm nghiên cứu đã thực hiện xong các nhiệm vụ của đề tài đặt ra, bao gồm:
- Điều tra và tổng hợp danh mục các công nghệ liên quan đến công nghệ IoT đang được sử dụng trong các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp;
- Điều tra và tổng hợp năng lực trình độ và khả năng ứng dụng công nghệ IoT tại các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất ở Việt Nam;
- Phân tích tổng hợp năng lực và hiện trạng công nghệ của công nghệ IoT ở Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng;
- Báo cáo các vấn đề liên quan đến nhu cầu đổi mới công nghệ trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT ở nước ta;
- Đề xuất chiến lược và lộ trình công nghệ, định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT đến năm 2030.
Đây là các thông tin quan trọng cho các cơ quan, tổ chức quản lý, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, các hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ IoT.
Đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sau khi bản đồ công nghệ IoT được xây dựng xong trên cơ sở thông tin điều tra, bản đồ sẽ cung cấp các thông tin về hiện trạng phân bố của các cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương; xu hướng phát triển của công nghệ và thị trường. Đây là cơ sở tham khảo quan trọng để định hướng phát triển cho từng địa phương, khu vực, và quốc gia, xác định các công nghệ cần làm chủ nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19989/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)