Máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ

Máy xét nghiệm COVID-19 đầu tiên dựa vào hơi thở đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Thiết bị này mất ba phút để phát hiện các trường hợp dương tính với COVID-19 và kết quả đạt độ chính xác hơn 90%.

Thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở là sản phẩm của công ty InspectorIR, sử dụng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) để phân tích các mẫu hơi thở. Giống như các mẫu máy phân tích hơi thở để phát hiện COVID-19 trước đây, thiết bị này không xác định được sự hiện diện của các hạt virus cụ thể. Thay vào đó, nó được thiết kế để thu thập các mẫu hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) tương ứng với tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong trường hợp này, một mẫu gồm năm VOC cụ thể sẽ giúp xác định hiệu quả các trường hợp dương tính với COVID-19.

FDA cho biết việc cấp phép sử dụng khẩn cấp thiết bị chi phối bởi kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn có sự tham gia của gần 2.500 người. Nghiên cứu cho thấy xét nghiệm phát hiện 91,2% trường hợp dương tính với COVID-19, thể hiện độ nhạy của xét nghiệm. Tính đặc hiệu của xét nghiệm thậm chí còn cao hơn, xác định chính xác 99,3% các trường hợp âm tính.

FDA yêu cầu thiết bị cần được sử dụng bởi chuyên gia được đào tạo dưới sự giám sát của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thêm vào đó, mặc dù công ty đã thiết kế để thiết bị GC-MS bớt cồng kềnh, nhưng vẫn chưa thể trở thành đồ vật có thể di động. Hiện nay, công ty có thể sản xuất khoảng 100 chiếc một tuần. Mỗi thiết bị được cho là có thể xử lý khoảng 160 mẫu mỗi ngày. Vì vậy, thiết bị sẽ được sử dụng thường xuyên tại các bệnh viện hoặc các địa điểm thử nghiệm COVID-19 di động trong vài tháng tới.

Vào tháng 2, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Singapo đã chế tạo được máy phát hiện COVID-19 qua hơi thở, nhỏ gọn và có thể di động, cho kết quả chính xác cao trong vài phút. Thiết bị cũng dựa vào việc phát hiện các mẫu VOC lạ trong hơi thở, nhưng thay vì sử dụng các hệ thống GC-MS cồng kềnh để phân tích mẫu, thiết bị sử dụng công nghệ quang phổ Raman. Công nghệ cảm biến này hỗ trợ chế tạo các thiết bị di động nhỏ gọn với giá cả phải chăng.

Một nhóm nghiên cứu ở Ôxtrâylia gần đây đã giới thiệu một mẫu thiết bị được thiết kế để phát hiện các hạt SARS-CoV-2 trong các mẫu hơi thở. Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang được tiến hành để xác nhận tính hiệu quả và nếu thành công, thiết bị sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.

N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/health-wellbeing/first-covid19-breath-test-authorized-fda-inspectir/, 18/4/2022