Tại sao con người không thể sống ở trên sao Hỏa?

Dân số trên thế giới đang trên đà bùng nổ mạnh mẽ, và sự bùng nổ này kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội lẫn hệ sinh thái tự nhiên. Dân số tăng quá nhanh khiến chính phủ các quốc gia trên thế giới đau đầu trong việc giải quyết các vấn đề lương thực thực phẩm, chỗ ở, việc làm,… song song với đó là việc môi trường xung quanh bị ô nhiễm, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng sinh thái…

Một số quốc gia đã có ý tưởng di cư con người đến một hành tinh khác có nhiều đặc điểm tương đồng với Trái đất để tiếp tục duy trì sự sống, và hành tinh được chọn là sao Hỏa. Sao Hỏa là hành tinh thứ tư tính từ Mặt trời và là hành tinh có kích thước bé thứ hai trong Hệ Mặt Trời, chỉ lớn hơn Sao Thủy. Nó thường được gọi với tên khác là “Hành tinh Đỏ”, do sắt oxide có mặt rất nhiều trên bề mặt hành tinh làm cho bề mặt nó hiện lên với màu đỏ đặc trưng. Nhưng liệu điều đó có khả thi không?

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra tính không khả thi của ý tưởng này. Đầu tiên là về nước, thành phần cơ bản cấu tạo nên mọi sự sống. Mặc dù nước có tồn tại trên sao Hỏa, nhưng phần lớn trong số đó đều nằm trong các khoáng chất hoặc bị đóng băng, thậm chí là nhiễm mặn. Điều này đồng nghĩa với việc để khai thác và sử dụng được những nguồn nước ở đây đòi hỏi rất nhiều máy móc và công sức của con người.

Thứ hai là không khí, không khí trên sao Hỏa loãng hơn trênTrái đất cực nhiều,  nhiệt độ trung bình là âm 62 độ. Nó được tạo thành từ 95% CO2 và chỉ có 0,13% oxy. Để có thể sống ở sao Hỏa, con người sẽ phải tạo ra một bầu khí quyển thích hợp để thở. Và hai cực của nó chính là chìa khóa giải quyết vấn đề này, cả hai đều được bao phủ bởi một lượng cực lớn CO2 đông lạnh (băng khô). Nếu chúng ta tìm ra cách tăng nhiệt độ hai vùng này khiến băng bốc hơi, CO2 sẽ hòa vào với không khí và làm cho không khí ở đây dày hơn y như ở trên Trái Đất. Song song với đó, việc phải thiết kế những bộ quần áo vừa có tác dụng chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt trên sao Hỏa, vừa có khả năng ngăn chặn các tia phóng xạ, lại dễ dàng cho việc vận động là một vấn đề nan giải mà trong một thời gian ngắn e là con người không thể giải quyết được

Thứ ba là bức xạ từ Mặt trời, Social Post báo cáo rằng, mức độ phơi nhiễm bức xạ trên sao Hỏa trung bình là 233 microgram mỗi ngày, tương đương với 17 lần mức phơi nhiễm bức xạ cao nhất mà Trái đất có thể trải qua. Hơn nữa, ảnh hưởng của một cơn bão Mặt trời trên sao Hỏa có thể khắc nghiệt hơn 50 lần so với trên Trái đất. Với lượng bức xạ lớn như vậy thật khó để con người có thể sinh sống an toàn, và trồng trọt các loại cây trồng, chăn nuôi các loại vật nuôi trên sao Hỏa được.

Để giải quyết được những vấn đề trên con người sẽ mất hàng triệu năm, nhưng với trí thông minh, sự thích ứng mạnh mẽ và khoa học kỹ thuật ngày một phát triển, biết đâu sẽ có một ngày điều này trở thành hiện thực. Nếu thành công đưa con người lên sinh sống ở sao Hỏa, thì đây sẽ là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại.

Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp, 4/2022