Áp dụng cách gieo sạ thưa, giảm phân thuốc để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa

Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn làm mô hình thí điểm khởi động đề án tại khu vực ĐBSCL.

Nghi thức làm đất, xuống giống bằng cơ giới hóa tại Đồng Tháp

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai đề án tại 7 huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha.

Ngày 12/6 vừa qua, tại huyện Tháp Mười, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười sẽ là đơn vị tham gia Đề án với diện tích 50 ha, bắt đầu từ vụ Thu Đông 2024, Đông Xuân 2024 - 2025 và Hè Thu 2025. Nông dân tham gia đề án được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, như giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ, ứng dụng cơ hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), máy bay phun thuốc.

Trước đó, tại xã Định An, huyện Lấp Vò, HTX Giống Nông nghiệp Định An cũng đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phát thải nhà kính gần giống như đề án mà Bộ NN&PTNT hướng tới. Cụ thể, HTX có 17ha áp dụng cách gieo sạ thưa, từ 60-70kg/ha đối với giống lúa trên 90 ngày và từ 90-100kg/vụ đối với giống 90 ngày trở lại. Về phân bón, HTX chỉ bón tối đa 200kg/ha/vụ đối với phân hóa học và từ 300-500kg/ha đối với phân hữu cơ (tùy vụ).

Theo Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An cho biết, làm theo mô hình trên sẽ tốn ít chi phí hơn bên ngoài 30%, năng suất đạt tương đương hoặc cao hơn bên ngoài, chất lượng lúa sẽ cao hơn và bán có giá hơn. “Lúa của HTX được Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp mua với giá cao hơn lúa thường từ 30 - 40%, thí dụ lúa thường 6.000 đồng/kg thì HTX bán được từ 9.000-9.500 đồng/kg”.

Ngoài ra, ông Dũng cũng thông tin thêm, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao yêu cầu gieo sạ 80kg/ha nhưng theo ông có thể giảm xuống hơn nữa, mà năng suất vẫn đáp ứng tốt. Trong quá trình sản xuất, dễ dàng đem rơm ra khỏi cánh đồng, còn phần gốc rạ có thể sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh để gieo sạ vụ mới đạt hiệu quả cao.

P.T.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PTT