Ba nhà khoa học được trao giải Nobel vật lý cho công trình cơ học lượng tử

Chiều ngày 4/10/2022, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel vật lý năm 2022 vinh danh ba nhà nghiên cứu Alain Aspect (người Pháp), John F Clauser (người Mỹ) và Anton Zeilinger (người Áo) cho công trình nghiên cứu cơ học lượng tử.

Giải thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (802.000 bảng Anh) được giành cho “các thí nghiệm về các photon vướng víu, thiết lập vi phạm các bất đẳng thức Bell và khoa học thông tin lượng tử tiên phong". Công trình nghiên cứu đã tập trung vào hiện tượng vướng víu lượng tử, được Albert Einstein gọi là “hành động ma quái ở khoảng cách xa”.

Vướng víu lượng tử có nghĩa là các thuộc tính của một hạt có thể được suy luận thông qua xem xét các đặc tính của hạt thứ hai, ngay cả khi chúng cách nhau một khoảng cách lớn. Cách dễ dàng để hình dung điều đó là nghĩ về việc được đưa cho một trong hai quả bóng - một quả bóng màu trắng và quả bóng còn lại màu đen. Nếu bạn nhận được quả bóng màu trắng, bạn biết quả bóng kia là màu đen.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các đặc tính của mỗi hạt không cố định cho đến khi chúng được kiểm tra trong kịch bản quả bóng. Điều này có nghĩa là cả hai quả bóng đều có màu xám cho đến khi được quan sát, trong đó một quả chuyển sang màu trắng và quả còn lại màu đen. Hai hạt hoặc quả bóng dường như được kết nối với nhau mà không cần bất kỳ tín hiệu nào giữa chúng được gửi đi.

Công trình nghiên cứu được trao giải Nobel Vật lý năm 2022, sẽ góp phần quan trọng trong tính toán lượng tử, truyền thông tin an toàn và các công nghệ cảm biến.

Giải Nobel Vật lý năm 2021 được trao cho 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (người Mỹ sinh tại Nhật Bản), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Ý) với công trình đột phá trong việc dự đoán biến đổi khí hậu và đóng góp đối với sự hiểu biết của chúng ta về các hệ thống vật lý phức tạp.

N.P.D (NASATI), theo https://www.theguardian.com/science/2022/oct/04/nobel-prize-for-physics-quantum-mechanics-three-scientists, 4/10/2022