Cần Thơ áp dụng kết hợp nhiều mô hình canh tác lúa hiện đại, đem lại hiệu quả cao, giảm phát thải
- Thứ hai - 22/07/2024 11:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, trong giai đoạn 2024 - 2025, TP Cần Thơ có 8 doanh nghiệp và 38 tổ hợp tác/HTX đăng ký tham gia với tổng diện tích khoảng 38.000ha. Đến giai đoạn 2026 - 2030, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng lên 28 đơn vị và 50 tổ hợp tác/HTX đảm bảo diện tích canh tác 50.000ha.
Mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải” tại HTX Thuận Tiến ở Vĩnh Thạnh
Ngày 5/4/2024, tại HTX nông nghiệp Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Cánh đồng lúa giảm phát thải được chọn xuống giống đầu tiên trong vụ hè thu 2024, có diện tích thí điểm 50ha. Giống lúa OM5451 được lựa chọn để gieo sạ với lượng giống 60kg/ha.
Cánh đồng được ứng dụng 3 công nghệ gieo sạ là áp dụng máy sạ hàng, máy sạ hàng kết hợp vùi phân bình thường và máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân. Với công nghệ sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân tận dụng hiệu ứng ánh sáng giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn.
Công nghệ sạ hàng hoặc sạ cụm kết hợp vùi phân sẽ giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ. Giải pháp này giúp bà con nông dân giảm 20% lượng phân bón. Ngoài ra còn giúp giảm được lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch.
Một số biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đi kèm là quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt; giải pháp IPM quản lý dịch hại; ứng dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch… Đặc biệt là kỹ thuật thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng để trồng nấm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa.
Bên cạnh đó, mô hình "Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai - ForwardFarming" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam thực hiện tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cũng đem lại hiệu quả cao bất ngờ. Mô hình thực hiện thực nghiệm từ tháng 9/2023 với quy mô 2,4ha, đến nay được 3 vụ lúa và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, trồng lúa theo mô hình giảm 2,5 - 3 lần lượng giống gieo sạ (60 kg giống/ha so với tập quán nhà nông 150 - 180kg/ha), giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110 m3/ha/vụ). Đặc biệt, mô hình giúp lúa giảm phát thải khí nhà kính 24,7%, giảm 1,5 - 4,0 triệu đồng/ha chi phí đầu vào, tăng thu nhập từ 13,1 - 54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc canh tác theo mô hình Forward Farming, cụ thể là ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến, kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường đã giúp bà con nông dân giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Từ đó, gia tăng hiệu quả kinh tế từ 4,7 - 5,9 triệu đồng/ha.
P.T.T (tổng hợp)