Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024.

Ngày 29/7/2024, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày hội kết nối, đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 đã diễn ra Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Bách Khoa tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Trần Quang nhấn mạnh, công nghệ bán dẫn là "huyết mạch" của nền kinh tế số và là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. "Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn", Phó Giám đốc HPA nhấn mạnh. Ông Nguyễn Trần Quang cho biết, Luật Thủ đô 2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội. Với mục tiêu kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội và hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024.

Ngày hội nhằm cung cấp thông tin tình hình phát triển, định hướng và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển, hợp tác của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới; cơ hội và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Đồng thời, kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, Việt Nam, trong nước và quốc tế, với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ tương lai. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiến nghị các chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, hướng tới thiết lập các trung tâm nghiên cứu, sản xuất bán dẫn và cung cấp dịch vụ sản xuất cho công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp... Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, thành phố sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, để các nhà đầu tư thành công và phát triển bền vững.

Chia sẻ một số định hướng của Hà Nội về phát triển công nghiệp bán dẫn và doanh nghiệp công nghệ số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.

Về chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn, bên cạnh các ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, Luật Thủ đô năm 2024 xác định công nghệ số là lĩnh vực trọng điểm về khoa học-công nghệ của Thủ đô, trong đó bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Thành phố được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học-công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học-công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học-công nghệ.

Phần tham luận tại hội nghị có sự tham gia của ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA); ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bán dẫn FPT; PGS, TS Nguyễn Văn Quy, Trưởng khoa Vật liệu điện tử và Linh kiện, trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam.

Các diễn giả đã cung cấp thông tin về một số định hướng của Hà Nội trong phát triển công nghiệp bán dẫn và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tiềm năng, lợi thế, cơ hội và sự sẵn sàng của Hà Nội trong cuộc đua bán dẫn; phát triển nguồn lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn; vai trò công nghệ IoT và AI trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Đại diện Ban tổ chức phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, thời gian tới, Hà nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn; đồng thời phải xây dựng một chiến lược dài hạn cho xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip ít nhất trong 10 năm tới trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần dành nguồn lực, tài lực và tiềm lực để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; có chương trình hợp tác quốc tế bài bản, dài hạn để thúc đẩy hợp tác đầu tư. Đặc biệt, Hà nội không chỉ tạo cơ chế ưu đãi để thu hút mà còn cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm.

P.A.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PAT