Khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050

Ngày 18/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo xin ý kiến về khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050". Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái điều hành hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Các nghiên cứu cấp quốc gia phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050 (mục tiêu Net Zero) sẽ khuyến khích công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm tối ưu quy trình sản xuất hướng tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng sạch hay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, chủ nhiệm chương trình, cho biết các nghiên cứu hướng mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp kỹ thuật, mô hình công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi carbon, chuyển đổi, cải thiện công nghệ. Việc tuyển chọn công trình khoa học cũng hướng ứng dụng và phát triển giải pháp công nghệ tiên tiến giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành, lĩnh vực như giao thông bền vững, nông lâm nghiệp thông minh hay quản lý, tái chế chất thải, các công nghệ lưu giữ, sử dụng và thu hồi carbon từ khí thải công nghiệp, qua đó tính toán phát thải, dự báo biến đổi khí hậu. Sản phẩm nghiên cứu là công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải carbon thấp và xu hướng thân thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó 80% công nghệ, giải pháp quản lý cần đóng góp giảm thiểu ít nhất 30% lượng khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực, hoặc đạt chất lượng tương đương các nước khu vực, thế giới. 6 nội dung được xây dựng khung chương trình, trong đó hướng nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Định hướng nghiên cứu tập trung trong giải mã, triển khai ứng dụng phát triển công nghệ lưu trữ và quản lý năng lượng mới, giải pháp công nghệ thông minh trong ngành kỹ thuật, giao thông vận tải, hay chuyển giao mô hình công nghệ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Việc ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng công nghệ IoT, AI dữ liệu lớn nhằm tối ưu hóa quy trình cũng như công nghệ môi trường, xử lý khí thải ngành công nghiệp... cũng là nhóm nội dung chú trọng phục vụ hạn chế phát thải, dự báo, kiểm kê khí nhà kính.

PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cần cơ chế cụ thể trong cách tính tín chỉ carbon, như phương pháp tính với thị trường carbon trong nước và quốc tế. Hay như lĩnh vực thủy sản hiện nay kết quả phát thải chưa được tính trong kiểm kê khí nhà kính, cần lưu tâm đến lĩnh vực này thế nào. Cần có phương pháp đánh giá tiêu chí và phương pháp để lựa chọn ra mô hình công nghệ ưu tiên hay nghiên cứu đánh giá về giá thành phát thải. PGS.TS Mai Văn Trịnh đề xuất với cứu ứng dụng kỹ thuật hướng canh tác nông nghiệp bền vững, tuần hoàn cần bổ sung nghiên cứu giống phát thải thấp như giống lúa phát thải thấp, hay tìm loại vi sinh vật có lợi cải thiện chất lượng đất, giảm sử dụng phân bón.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Khuất Việt Hùng, cần nghiên cứu giải pháp công nghệ quản lý nhằm giảm thiểu carbon trong quá trình sản xuất, bảo trì, sửa chữa tái chế phương tiện và nguồn năng lượng giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa. Bên cạnh đó xây dựng giải pháp giảm thiểu carbon trong xây dựng, bảo trì sửa chữa trong công trình hạ tầng xây dựng, giao thông. Về triển khai ứng dụng công nghệ thu hồi sử dụng và lưu trữ carbon, bên cạnh xử lý khí thải công nghiệp, ông Khuất Việt Hùng kiến nghị thêm với ngành vận tải biển. Theo ông phát triển sản phẩm từ nguồn nhiên liệu mới, tái chế pin, công nghệ nhiên liệu xanh phù hợp trung hòa carbon là "rất phù hợp". Nên có thiết kế thi công vật liệu mới giảm carbon so với vật liệu cũ, tái chế sử dụng vật liệu sau khi phá dỡ, bảo trì công trình xây dựng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sửa chữa, bảo trì với công trình giao thông.

Để đạt phát thải ròng bằng 0, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất 3 nhóm giải pháp: thể chế cơ chế chính sách phải rạch ròi, thường xuyên cập nhật bổ sung điều chỉnh; giải pháp khoa học công nghệ và đề xuất nội dung về nguồn nhân lực netzero. Theo ông, cả ba nhóm giải pháp đều dựa cơ sở lý luận thực tiễn, dựa vào đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng 4.0 với công nghệ như AI, dữ liệu lớn và cần dự án thử nghiệm. Nghiên cứu phát triển nguồn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát thải ròng bằng 0, hay gọi là nguồn nhân lực netzero, sẽ là bà đỡ cho toàn bộ các giải pháp và nội dung chương trình.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo

Ghi nhận các góp ý, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị Ban chủ nhiệm thực hiện rà soát trùng lặp, làm rõ mục tiêu khi thực hiện nội dung chương trình, đồng thời kế thừa sản phẩm từ chương trình khác thành đầu vào. Thứ trưởng gợi ý cải thiện cơ chế, kết nối nhanh giữa ban chủ nhiệm với ý kiến từ chuyên gia, lập tổ chuyên gia tư vấn ở từng lĩnh vực, cơ quan quản lý nhằm lựa chọn khung chương trình có tính định hướng, toàn diện.

P.A.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PAT