Nghiên cứu, điều tra khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế dự án điện mặt trời nối lưới tại Việt Nam

Hiện nay, tiềm năng khai thác kinh tế nguồn thuỷ điện ở Việt Nam đã tới giới hạn. Từ năm 2019 Việt Nam phải phát triển 4 dự án nhà máy thuỷ điện tích năng để đến năm 2030 đạt 5700MW bù đắp vào công suất bị thiếu hụt. Các dự án nhà máy điện chạy dầu không được khuyến khích phát triển do giá thành điện cao trong khi các nhà máy điện chạy khí có nhiều khả năng bị chậm tiến độ và chưa có hướng phát triển do hạn chế về nguồn cung. Ngược lại với giá than, giá năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm. Việt Nam được đánh giá có nguồn năng lượng mặt trời khá tốt với khoảng 2.000 ÷ 2.600 giờ nắng và cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,5kWh/m2/ngày đến 5,8 kWh/m2/ ngày. Theo nhiều ý kiến chuyên gia nhận xét bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung và miền Nam trong quá trình phát triển bền vững điện mặt trời (MT).

Hướng đến việc xây dựng ngành công nghiệp điện mặt trời Việt Nam lên hàng đầu khu vực và cạnh tranh thế giới về công nghệ và sản lượng điện, Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung, điện MT nói riêng. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã vạch ra các mục tiêu cụ thể là khai thác hiệu quả điện mặt trời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình hình và cùng với lưới điện quốc gia điện khí hóa 100% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào năm 2020. Chính vì vậy việc đầu tư xây dựng nhà máy điện MT sẽ từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn điện MT của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh; tăng nguồn phát điện tại chỗ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này. Các hoạt động xây dựng ở khu vực dự án sẽ tạo cơ hội việc làm, phát triển giao thông tại chỗ, cải thiện cơ sở hạ tầng cho cộng đồng dân cư của khu vực. Việc ứng dụng công nghệ điện MT nối lưới điện với quy mô nhỏ và vừa ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh và đạt được hiệu quả rất cao.

Mặc dù đã có nhiều dự án ĐMT được ứng dụng cấp điện thông qua lưới của hệ thống điện lưới điện độc lập, hoặc nối lưới điện quốc gia nhưng chưa có đề án nào tổng kết phân tích đánh giá tính phù hợp của việc ứng dụng các hệ thống này ở Việt Nam, chưa tổng kết đánh giá xem Điện MT hiệu quả đến đâu, quy mô nào ứng dụng phù hợp. Vì vậy, KS. Nguyễn Văn An đến từ Viện Năng lượng cùng đồng nghiệp đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu, điều tra khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế dự án điện mặt trời nối lưới tại Việt Nam” nhằm mục đích điều tra, khảo sát và đánh giá hiệu quả sử dụng các dự án điện MT nối lưới đã áp dụng trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy sự phát triển các dự án ĐMT nối lưới tại Việt Nam.

Sau đây, là kết quả của Đề tài đã thực hiện:

- Mô tả được bức tranh tổng thể về phát triển điện năng lượng tái tạo của Việt Nam và Thế giới;

- Đã thống kê và đưa ra được 2 công nghệ điện MT nối lưới đó là:

+ Hệ thống điện mặt trời nối lưới độc lập

+ Hệ thống điện mặt trời nối lưới quốc gia, trong đó: Hệ thống điện MT nối lưới quốc gia được chia làm 2 công nghệ: (i) Hệ thống điện MT nối lưới quốc gia, hệ thống tấm PMT lắp đặt trên mái nhà và (ii) Hệ thống điện MT nối lưới quốc gia, hệ thống tấm PMT lắp đặt trên mặt đất, trên mặt nước;

- Điều tra đánh giá thực trạng hoạt động của một số dự án điện MT nối lưới ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Miền Nam và Hải Đảo của Việt Nam;

- Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của dự án Điện MT được tổng hợp như sau:

+ Năng suất hàng năm trên mỗi kWp của hệ thống điện MT: dao động từ 79,87 đến 1.142,89 kWh/kWp;

+ Dự án điện MT nối lưới độc lập tổng mức đầu tư dao động từ 13.760,11 đến 14.397 USD/kWp (hệ thống ĐMT bao gồm PMT, Ắc quy, máy phát điện diesel, hệ thống lưới điện);

+ Dự án điện MT nối lưới quốc gia công suất đến vài trăm kWp, MWp tổng mức đầu tư xây dao động từ: (5.364,21 đến 7.136,28) USD/kWp (hệ thống điện MT bao gồm PMT (kWp), bộ biến đổi điện, hệ thống lưới điện);

+ Dự án điện MT nối lưới quốc gia quy mô công suất lớn > 1 MWp tổng mức đầu tư xây dựng dao động từ (1.380 đến 2.000) USD/kWp;

+ Năng suất hàng năm trên mỗi kWp của hệ thống điện MT: dao động từ 79,876 kWh/kWp đến 1.142,89 kWh/kWp;

+ Độ suy giảm công suất khoảng 8,5 đến 10% trong khoảng thời gian 17 năm (bao gồm cả tổn hao của toàn bộ thiết bị, đường dây truyền tải của hệ thống)

+ Tuổi thọ nhà máy điện mặt trời tối thiểu là 25 năm

+ Tuổi thọ của tấm pin mặt trời: >25 năm

+ Tuổi thọ của khung giá đỡ: >25 năm

+ Tuổi thọ của bộ biến đổi điện: trong khoảng 8 đến 12 năm

+ Tuổi thọ của ắc quy: (i) đối với ắc quy chuyên dụng dành cho hệ thống điện MT tuổi thọ của ắc quy trong khoảng 10 đến 12 năm; (ii) đối với ắc quy kín khí, một số dự án của Việt Nam thường sử dụng tuổi thọ trung bình khoảng 3 đến 6 năm (ưu điểm giá thành rẻ);

+ Tuổi thọ của thiết bị phụ trợ dây cáp điện, hộp nối tuổi thọ trung bình khoảng 12 đến 15 năm (thiết bị đặt ngoài trời).

- Đề tài đã lựa chọn dự án điện mặt trời Côn Đảo 36 kWp để thực hiện đánh giá về hiệu quả kinh tế, kết quả đánh giá như sau:

- IRR sau thuế: 13,4%

- Thời gian thu hồi vốn đơn giản: 8,4 năm

- Giá trị hiện tại thuần (NPV): 6.160 USD

- Chi phí sản xuất năng lượng: 82,54 USD/MWh

- Đề xuất mô hình về cấu hình hệ thống ĐMT, về mô hình tổ chức quản lý vận hành hệ thống ĐMT nối lưới tại Việt Nam.

Đề tài này cũng đã xác định được các nguyên nhân gây ra sự hoạt động không bền vững của các dự án ĐMT nối lưới điện độc lập và sự thành công của các dự án điện MT nối lưới điện quốc gia ứng dụng ở Việt Nam. Đó là:

- Các vấn đề về tổ chức với quyết định lựa chọn mô hình tổ chức quản lý vận hành phù hợp;

- Thiết bị dự phòng thay thế luôn sẵn sàng đáp ứng và thực hiện các chương trình bảo dưỡng bền vững;

- Khả năng Tài chính sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ điện;

- Xây dựng năng lực là điều kiện cần thiết để tạo ra các cơ cấu tổ chức phù hợp cho sự phát triển và sử dụng hiệu quả của hệ thống điện MT;

- Đánh giá nhu cầu điện hiện nay, dự báo tương lai, và khả năng đáp ứng nhu cầu với tiềm năng của các nguồn NLMT để thiết kế hệ thống cấp điện thích hợp;

- Các yếu tố chính trị, con người và một số khía cạnh về kỹ thuật. Hệ thống điện MT nối lưới được đánh giá là một giải pháp đầy hứa hẹn cho phát triển đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mặc dù, các đánh giá trong Đề tài này được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá chủ quan và khái quát về hiệu quả kinh tế dự án ĐMT, nhưng kết quả vẫn cho phép khẳng định rằng phát triển hệ thống ĐMT trong thời gian tới có thể là một lựa chọn bền vững, hiệu quả. Để phục vụ cho việc đánh giá thực trạng vận hành và hiệu quả kinh tế dự án, đề xuất mô hình ĐMT, cần phải thự hiện thông qua việc điều tra khảo sát thực địa và thiết kế, phát hành bộ phiếu điều tra thực trạng hoạt động dự án ĐMT nối lưới.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14286) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.K.L (NASATI)