Những mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín

Theo kế hoạch giải quyết ruộng bỏ hoang và chuyển đổi cây trồng của UBND huyện An Dương-Hải Phòng, từ năm 2023, phát triển một số mô hình như: Khắc phục hơn 30ha ruộng bỏ hoang tại thôn 3; Mô hình trồng cây tại thôn 1... Những mô hình này không chỉ giải quyết được tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn giúp người dân làm việc, bổ sung thu nhập.

Nông sản sạch do Hợp tác xã nông lâm thuỷ hải sản Nam Việt sản xuất

Ông Phạm Văn Quyên sinh năm 1987 ở Hải Phòng, là Giám đốc của Hợp tác xã nông lâm thuỷ hải sản Nam Việt đang triển khai sản xuất nông nghiệp tại 3 địa phương, bao gồm: Mô hình trồng chuối tại xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng), diện tích 10ha; Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn tại xã Bắc Sơn (huyện An Dương), diện tích gần 7ha và mô hình lúa - cá xen canh tại xã An Thọ (huyện An Lão), diện tích 10ha.

Với 3 mô hình này, Hợp tác xã mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín và hiện nay đang cung cấp các loại thực phẩm sạch như: Rau, củ, quả, chuối, gạo, trứng… cho nhà hàng, khách sạn, trường học, công ty tại khu vực nội thành Hải Phòng và một số khu vực tại tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã bán ra thị trường hơn 2 tấn thực phẩm các loại, một năm tương ứng gần 1000 tấn.

Giám đốc Hợp tác xã nông lâm thủy hải sản Việt Nam, ông Phạm Văn Quyên chia sẻ: So với các ngành nghề khác thì sản xuất nông nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng đây là yếu tố bắt buộc phải có vì còn liên quan đến vấn đề lương thực. Trong sản xuất nông nghiệp, đất và nước là 2 yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì, thổ nhưỡng sẽ phù hợp với từng loại cây trồng và quyết định sự sinh trưởng của loài cây đó nên phải thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng và độ tươi xốp cho đất… Còn đối với nguồn nước là để phục vụ tưới tiêu nên sẽ quyết định chất lượng nông sản, nước sạch thì nông sản thu hoạch sẽ được đảm bảo và ngược lại. Do đó, khi lấy nước từ sông vào thì phải qua đầm chứa và qua các loài thực vật như bèo tây để xử lý lắng rồi mới đưa vào tưới tiêu cho cây trồng”.

Ngoài đất và nước, thì khí hậu cũng đóng vai trò quan trọng vì sẽ quyết định rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, nếu giống cây được trồng không đúng thời vụ thì sẽ không phát triển, sâu bệnh nhiều, ảnh hưởng đến năng suất hoặc thậm chí sẽ bị chết; Hay như trồng lúa, nếu trời mưa to nhưng không thu hoạch kịp thì hạt thóc sẽ bị nảy mầm, không bán ra thị trường được…

Đ.T.V (tổng hợp)

Tác giả bài viết: ĐTV