Những thay đổi mới đây trong hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Ấn Độ
- Chủ nhật - 12/05/2019 21:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ấn Độ là nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh. Đây là trung tâm toàn cầu thu hút các dịch vụ CNTT từ nước ngoài. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây đã chậm lại phần nào và nghèo đói vẫn tiếp tục là một thách thức lớn. Đổi mới được xem là rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Ấn Độ.
Thông qua chiến lược quốc gia của mình, Thập kỷ của những đổi mới 2010 - 2020, Chính phủ cam kết tăng cường năng lực KH&CN. Mục tiêu là để tăng GERD tới 2% GDP với việc tăng gấp đôi đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào năm 2020. Những thay đổi chính trong hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐM) Ấn Độ:
Các trường đại học và viện nghiên cứu công: Như trong nhiều nền kinh tế mới nổi, các viện nghiên cứu công và đại học chiếm đa số trong hệ thống KHCN&ĐM của Ấn Độ. Ấn Độ có ít trường đại học đẳng cấp thế giới, công bố KH&CN trên các tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu kém hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác như Brasil, Trung Quốc và Nam Phi. Do các viện nghiên cứu công được quản lý bởi các bộ phụ trách lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành, nên Ấn Độ không có ngân sách nghiên cứu công hợp nhất. Ấn Độ đến nay không có cơ quan tài trợ nghiên cứu trung ương. Ngân sách cho các viện nghiên cứu công gần đây đã giảm về giá trị thực. Các đánh giá được sử dụng một cách hệ thống hơn để ước định hiệu quả hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học.
Tinh thần kinh doanh sáng tạo: Sáng kiến Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (SBIRI) là một chương trình mới do Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra để nuôi dưỡng và tư vấn về các công nghệ và các doanh nhân đổi mới mới nổi. Nét nổi bật của SBIRI là nó hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sinh học trước giai đoạn chứng minh khái niệm có rủi ro cao cũng như các giai đoạn phát triển về sau trong các DNVVN của các nhà sáng tạo với một nền tảng khoa học. Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ có hỗ trợ cụ thể cho việc thương mại hóa các công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội trong chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và dinh dưỡng, nông nghiệp và các ngành khác. Các cơ quan khác của Chính phủ cũng có các kế hoạch tương tự.
Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ: Ấn Độ không có luật về chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Các chương trình khác nhau cho phép tiếp cận tri thức được phát triển trong các viện nghiên cứu công và các trường đại học. Việc tạo lập và bảo quản các hệ thống kiến thức, phổ biến kiến thức và các dịch vụ kiến thức tốt hơn là mối quan tâm chính của Ủy ban Kiến thức Quốc gia. Thành lập năm 2005, Ủy ban hướng dẫn chính sách về các chủ đề này và chỉ đạo các cải cách liên quan đến giáo dục, KH&CN, nông nghiệp, công nghiệp, và chính phủ điện tử. SBIRI cũng nhằm tăng cường thương mại hóa các nghiên cứu công cộng.
Toàn cầu hóa: Sự hiện diện trung tâm NC&PT của các MNE đã đẩy nhanh quá trình hội nhập của Ấn Độ trong các hệ thống đổi mới và NC&PT toàn cầu. Trong khi Ấn Độ là nước có nhiều nhà đầu tư NC&PT của các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực ôtô, máy công nghiệp và các ngành CNTT, nhưng vẫn thua Trung Quốc, Brasil và Nga trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, Ấn Độ ở mức trung bình của OECD, và hơn Brasil, Trung Quốc và Nam Phi trong hợp tác đăng ký sáng chế quốc tế, mặc dù thị phần các xuất bản phẩm KH&CN đồng tác giả quốc tế rất thấp, không chỉ theo các tiêu chuẩn OECD, mà còn so với Nam Phi, Brasil và Liên bang Nga. Trong những năm gần đây, các trường đại học Ấn Độ đã dần hội nhập quốc tế. Các cơ quan chính phủ khác có những chương trình tạo điều kiện cho việc luân chuyển nguồn nhân lực quốc tế.
Kỹ năng cho đổi mới: Ấn Độ có một lực lượng lao động lớn, trẻ và đang phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ đến trường thấp và chất lượng kém của hệ thống giáo dục cản trở sự phát triển của nguồn nhân lực cho KH&CN và đổi mới. Cơ quan Phát triển Kỹ năng Quốc gia (NSDA) chịu trách nhiệm phối hợp và hài hòa các nỗ lực phát triển kỹ năng của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu kỹ năng cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Các sáng kiến liên quan bao gồm Trung tâm Kỹ năng tại Chhindwara (ở Madhya Pradesh) của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), dạy các kỹ thuật công nghiệp, và Dự án Swavalamban liên doanh CII-HPCL (Công ty TNHH Dầu khí Hindustan), nơi đào tạo thanh niên tại địa phương. Bộ Nhân lực và Bộ Công tác dân tộc còn có các sáng kiến để giảm khoảng cách giới và dân tộc thiểu số trong giáo dục KH&CN, như Đề án Cung cấp chất lượng giáo dục tại Madrasas (SPQEM) và Sarva Shiksha Abhiyan (SSA).
NASATI (Theo OECD)