Nghiên cứu phân loại và đánh giá sinh trưởng một số quần đàn cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) ở Việt Nam

Cá chim vây vàng là một trong những đối tượng cá biển đang được định hướng phát triển mở rộng quy mô, gia tăng sản lượng nuôi ở Việt Nam. Hiện ở nước ta có hai dạng hình cá chim là cá chim vây ngắn và vây dài. Hai dạng hình này có một số đặc điểm sai khác, tuy nhiên trên thực tế vẫn gọi chung là loài cá chim vây vàng. Cá chim vây vàng thuộc họ Carangidae, bộ Perciformes phân bố chủ yếu ở các vùng biển thuộc Thái ình ương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Trong họ Carangidae, giống Trarchinotus gồm 20 loài, là nhóm cá gồm nhiều loài cá kinh tế quan trọng. Hiện nay, việc phân loại trên đối tượng này trong nước chỉ mới dừng lại ở phân loại hình thái, tuy nhiên các loài trong giống được mô tả và có hình thái khá giống nhau, việc phân loại các loài này phải nhờ đến các nhà ngư loại học có kinh nghiệm và các chỉ tiêu khá phức tạp trong việc quan sát. Việc sử dụng các kỹ thuật sinh học phân tử với kết quả chính xác và nhanh chóng có thể giúp xác định chính xác các quần đàn cá chim vây vàng hiện nuôi ở Việt Nam thuộc loài nào. Hiện có nhiều phương pháp tiến hành định dạng loài bằng phương pháp ph n tử như PCR-SSCP, PCRRAPD, PCR-DGGE, PCR-ALFP, nhân dòng và giải trình tự, PCR-RFLP, PCR-trình tự gen và PCR-mồi đặc hiệu… trong đó phương pháp sử dụng gen CO1 (cytochrome oxidase subunit 1 - sử dụng DNA của gen ty thể) phổ biến hơn cả và nó chuyên biệt cho việc xác định loài. Việc định loại chính xác cá chim vây vàng sẽ làm cơ sở khoa học cho việc lưu giữ và phát triển đối tượng nuôi phù hợp, tránh lai tạp giữa các dòng/loài.

Nhằm phân loại cá chim vây vàng (T. blochii) nói chung, định loại bằng phương pháp sinh học phân tử nói riêng cùng với việc nghiên cứu đánh giá tăng trưởng của các nhóm cá này ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu ThS. Nguyễn Thị Mai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phân loại và đánh giá sinh trưởng một số quần đàn cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) ở Việt Nam”.

Sau khoảng 2 năm triển khai (2014 - 2016), nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kết luận như sau:

Cá chim vây vàng thuộc hai dạng hình vây ngắn và vây dài được thu thập từ ba địa phương: Cát Bà - Hải Phòng, Đầm Hà - Quảng Ninh và Nha Trang - Khánh Hòa. Tổng số 60 mẫu cá chim nguyên con có chiều dài bỏ đuôi Lo dao động từ 80 - 250mm phục vụ cho việc phân loại cá bằng hình thái. Tổng số 33 chỉ tiêu về hình thái được sử dụng để định loại hai dạng cá thu thập được. Song song với việc thu mẫu phục vụ phân loại bằng hình thái, mẫu vây cá cũng được thu thập để phân loại cá bằng kỹ thuật sinh học phân tử. DNA tổng số của các mẫu vây cá chim thu thập được tách chiết trong đó 36 mẫu đạt tiêu chuẩn trên tổng số 60 mẫu vây thu thập được.

Các mẫu DNA tách chiết được khuếch đại với đoạn mồi thích hợp (universal primer) dành cho các loài cá biển. Sau khi khuếch đại bằng phản ứng PCR, các mẫu NA được tinh sạch bằng bộ kit thích hợp và gửi đi giải trình tự trực tiếp. Bên cạnh việc định loại các nhóm cá chim vây vàng bằng phương pháp hình thái và ph n tử, một thí nghiệm được tiến hành để đánh giá khả năng tăng trưởng của hai dạng hình cá ở cùng điều kiện nuôi trong thời gian 6 tháng.

Kết quả nghiên cứu phân loại về hình thái trên các chỉ tiêu ngư loại học cho thấy hai dạng hình cá chim vây dài và vây ngắn thuộc hai loài cá khác nhau: Cá Sòng mũi hếch Trachinotus blochii Lacépède, 1801 (cá chim vây dài) và cá Sòng ấn độ Trachinotus mookalee Cuvier, 1832 (cá chim vây ngắn).

Kết quả xây dựng bộ mã vạch di truyền DNA barcode trên các nhóm cá chim vây vàng ở Việt Nam cho thấy gen ti thể MT-COI được giải trình tự đạt tiêu chuẩn là mã vạch di truyền dùng trong phân loại cá chim vây vàng với mức tương đồng 99% với ngân hàng DNA barcode trên Genbank.

Bộ mã vạch di truyền sau khi xác định đã được ứng dụng để phân loại hai nhóm cá chim vây vàng ở Việt Nam, kết quả cho thấy hai loài tương ứng với hai dạng hình vây dài và vây ngắn lần lượt là Trachinotus blochii và Trachinotus ovatus. Về tốc độ tăng trưởng, sau thời gian nuôi thí nghiệm trong 6 tháng, cá chim vây vàng dạng hình vây ngắn có khối lượng cơ thể lớn hơn cá chim vây dài, tốc độ tăng trưởng tương đối và tuyệt đối của cá chim vây ngắn tính trên toàn bộ thời gian nuôi nhanh hơn cá chim vây dài, tuy nhiên, hai dạng hình cá chim này có sự tương đồng về hệ số chuyển hóa thức ăn. Xét trong một thời gian nuôi ngắn hạn thì việc nuôi cá chim vây ngắn hiệu quả hơn cá chim vây dài về cỡ cá.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu kiến nghị nên đổi tên hai nhóm cá chim theo tên đã được định danh trong nghiên cứu này để tránh nhầm lẫn. Nên ứng dụng quy trình phân loại bằng chỉ thị phân tử CO1 kết hợp với việc phân loại hình thái để kết quả phân loại chính xác và đáng tin cậy hơn. Người nuôi nên chọn cá chim vây ngắn (cá song Ấn độ - T.ovatus) trong thời gian dưới một năm để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh.

Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng chỉ thị phân tử để phân loại cá chim vây vàng kết hợp với các phương pháp phân loại truyền thống. Những kết quả này của đề tài sẽ góp phần cung cấp một phương pháp hiện đại và chính xác để phân loại loài và đưa ra kết quả về tốc độ tăng trưởng, từ đó làm tiền đề cho công tác đánh giá đa dạng di truyền và chọn giống trên đối tượng thủy sản quan trọng này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15441/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)