Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần tuân thủ các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hữu cơ ngay từ đầu

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm 2023, lần đầu tiên sau hơn 30 năm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, đã tăng cường quản lý các sản phẩm hữu cơ bao gồm các quy trình sản xuất, xử lý và bán hàng và tăng cường nhiều lớp bảo vệ xung quanh nhãn hiệu hữu cơ của cơ quan này với Quy định tăng cường thực thi hữu cơ (SOE). Hiệp hội Nông dân hữu cơ của Mỹ rất vui mừng khi thấy quy định cuối cùng được công bố và tin rằng SOE sẽ giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho những người sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức chung đối với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Quy định này chuẩn hóa các yêu cầu về đào tạo và hoạt động đối với các doanh nghiệp và nhân viên hữu cơ. Quy định cũng yêu cầu chứng nhận đối với hàng nhập khẩu hữu cơ và các doanh nghiệp sẽ cần cung cấp chứng nhận cho thấy các bộ phận chính trong chuỗi cung ứng của họ đáp ứng tiêu chí hữu cơ.

Còn tại Việt Nam, cho đến hiện nay, Bộ KH&CN đã công bố 13 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc áp dụng các tiêu chuẩn này không đơn giản. Chẳng hạn như, tiêu chuẩn hữu cơ trong thủy sản hiện chỉ có chứng nhận cho tôm và rong biển chứ chưa có tiêu chuẩn bao trùm do vậy mà trong cùng một ao nuôi của hợp tác xã dù áp dụng cùng tiêu chuẩn nhưng tôm lại được chứng nhận hữu cơ, còn cá và cua thì không được chứng nhận.

Do thị trường hữu cơ đang tăng trưởng mạnh mẽ cho nên việc kinh doanh các sản phẩm hữu cơ cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn, khiến cho Mỹ và châu Âu, là hai thị trường hữu cơ lớn nhất đều điều chỉnh việc quản lý theo hướng chặt chẽ hơn và nhiều lĩnh vực hơn. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tại những nước thứ ba như Việt Nam.

Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Các sản phẩm hữu cơ vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng này.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), đến năm 2018, cả nước có 495.000 ha nông nghiệp hữu cơ, tăng bốn lần so với năm 2016, song thực sự còn rất khiêm tốn so với 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Tính đến 2022, số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người, số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 và 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới 180 thị trường trên thế giới. Con số này cho thấy dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất lớn.

Những doanh nghiệp đã chọn hướng phát triển hữu cơ, kết quả thu được khiến họ nhận ra những công sức đã bỏ ra là xứng đáng. Một ví dụ điển hình cho thấy, với những bước đi bài bản từ đầu tư công nghệ cho đến phát triển vùng trồng hữu cơ, sau ba năm kể từ khi ra đời vào năm 2019, Sokfarm, doanh nghiệp kinh doanh mật hoa dừa hữu cơ, đã đưa được những sản phẩm từ mật hoa dừa bản địa tiến ra thế giới, bao gồm cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan. Dù gặp nhiều khó khăn phức tạp song quá trình này giúp Sokfarm hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình.

Trong một diễn đàn vào tháng 5/2024, ông Phạm Đình Ngãi, tổng giám đốc, nhà sáng lập Sokfarm đã chia sẻ: “Để xuất được lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản, chúng tôi đã tốn hơn tám tháng để đàm phán với khách hàng. Các sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí từ phía Nhật Bản, bao gồm kiểm nghiệm hơn 300 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất cũng như các quy định về nhãn mác. Nếu không có sự kiên trì thì chắc sẽ nản chí và nghĩ rằng họ làm khó mình. Tuy nhiên, khi càng làm, chúng tôi càng hiểu hơn về văn hóa của họ. Đây là những bài học để Sokfarm áp dụng cho các sản phẩm sau này, nếu chúng ta làm chuẩn ngay từ đầu thì sản phẩm sẽ đi nhanh hơn, dễ tiếp cận với khách hàng hơn”.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam không những có nhiều cơ hội tại thị trường trong nước mà còn có thể mở rộng triển vọng ở cả các thị trường quốc tế khó tính như EU và Australia.

Như vậy, với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá cả của sản phẩm organic sẽ giảm xuống, phù hợp với khả năng của số đông người tiêu dùng.

P.T.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PTT