Trí thức khoa học góp ý về xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Ngày 17/9/2024, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV' nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh vai trò của trí thức trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tiến sỹ cho rằng, việc thu thập ý kiến, phản ánh và kiến nghị từ nhân dân, đặc biệt từ đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong thực thi pháp luật.

Những vấn đề thời sự đang được cử tri và giới trí thức quan tâm gồm các chính sách mới về tài chính, tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với sự biến động của thị trường bất động sản; cải tiến về an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác phòng chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi đội ngũ trí thức cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Những ý kiến tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để Quốc hội và các cơ quan nhà nước nghiên cứu, giải quyết nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề xuất Quốc hội tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách để đảm nhiệm công việc này thay vì để cơ quan hành pháp tự thực hiện. Bên cạnh đó, ông cho rằng, các văn bản luật thường quá dài, phức tạp và khó áp dụng, tạo ra tình trạng "luật khung" và "luật ống", khiến người dân khó nắm bắt và dễ rơi vào tình trạng "rừng luật". Đồng thời, kiến nghị nên có hướng cải tiến, làm cho luật ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu và dễ áp dụng như giải pháp một số nước tiên tiến đã thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, hiện tại đang thiếu vắng các nhà khoa học đầu ngành, những người có thể dẫn dắt và có cống hiến lớn cho đất nước. Quốc hội cần xem xét việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của các nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ để tạo được một đội ngũ trí thức mạnh. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị tăng cường đầu tư cho văn hóa, bao gồm hệ thống thư viện để phát triển và chuyển đổi số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống tham nhũng và giám sát chặt chẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo.

Đại biểu Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Hội Thủy sản Việt Nam kiến nghị bãi bỏ tiêu chuẩn cơ sở, tức là những tiêu chuẩn riêng lẻ mà các doanh nghiệp tự xây dựng vì điều này có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng. Thay vào đó, cần phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn chung cho toàn ngành và giao nhiệm vụ này cho các hội ngành nghề chịu trách nhiệm. Ngoài ra, ông đề xuất bãi bỏ các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành vì những quy chuẩn này làm hạn chế sự linh hoạt và đổi mới của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên tập trung vào việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung để nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hoạt động đánh giá sản phẩm cần phải được thực hiện công khai và minh bạch để đảm bảo tính công bằng trong sản xuất và kinh doanh, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin rõ ràng và chính xác.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra nhằm hoàn thiện các nội dung về chính sách phát triển và hoàn thiện pháp luật cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu đề xuất cần thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học và các diễn đàn liên quan đến những vấn đề lớn mang tính quyết sách, nhằm thu thập ý kiến phản biện, đóng góp từ các nhà khoa học và chuyên gia... Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính toàn diện trong quá trình hoạch định chính sách mà còn góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các diễn đàn về khoa học công nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một kênh thiết yếu để phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng và tranh thủ được sự đóng góp của đội ngũ trí thức trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước.

Về đầu tư cho văn hóa, các đại biểu bày tỏ quan điểm, ngân sách đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực này còn rất thấp, dẫn đến khó khăn cho các hoạt động phát triển văn hóa, đặc biệt là hệ thống thư viện và các lĩnh vực văn hóa khác. Do đó, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho văn hóa, không chỉ để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mà còn để góp phần tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

P.A.T (tổng hợp)

Tác giả bài viết: PAT