Hệ thống rèm lọc không khí để bàn ngăn chặn sự lây lan của COVID-19

Nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển một hệ thống rèm lọc không khí để bàn (DACS) với khả năng ngăn chặn tất cả các hạt sol khí bay tới. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí AIP Advances.

Kotaro Takamure, đồng tác giả, cho biết: “Chúng tôi hy vọng hệ thống này sẽ có hiệu quả như một rào cản gián tiếp để sử dụng trong các phòng thí nghiệm xét nghiệm máu, khu điều trị trong bệnh viện và các tình huống khác không thể đảm bảo đủ khoảng cách vật lý như tại quầy lễ tân”.

Rèm lọc không khí, đôi khi được gọi là cửa lọc không khí, là hệ thống thông gió chạy bằng quạt để tạo ra một lớp đệm kín không khí ở lối vào. Chúng được sử dụng trong bệnh viện để ngăn khói xe cứu thương và các chất ô nhiễm khác xâm nhập vào bên trong phòng cấp cứu.

Thách thức trong việc phát triển rèm lọc không khí nhỏ hơn là ngăn chặn hoàn toàn các hạt sol khí thải ra theo thời gian vì rất khó để duy trì bức tường không khí trong một khoảng cách dài. Do đó, các thiết bị mất dần cường độ thoát khí, tạo ra dòng chảy hỗn loạn khiến cho các hạt sol khí bị nhiễm mầm bệnh thoát ra môi trường xung quanh.

DACS có chứa một cổng xả và hút giúp giải quyết vấn đề này. Một máy phát ở trên cùng của DACS sinh ra luồng không khí, được dẫn đến cổng hút ở dưới cùng của thiết bị. Điều này ngăn chặn sự phân tán luồng không khí, dẫn đến việc tất cả các hạt sol khí được thu gom tại cổng hút. Một bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu quả cao có thể được lắp đặt bên trong cổng hút để lọc không khí.

Các nhà nghiên cứu đang phát triển một hệ thống bất hoạt vi rút đi kèm được trang bị đèn cực tím kết nối với cổng hút. Sau khi được làm sạch bằng tia cực tím, không khí sẽ được tuần hoàn lại để duy trì luồng khí của rèm lọc và áp suất không khí trong phòng.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị bằng máy nén khí kết nối với một ma-nơ-canh mô phỏng nhịp thở. Dioctyl sebacate, dung môi được sử dụng rộng rãi dễ phát tán, đã được bơm vào luồng không khí để tạo ra các hạt sol khí. Phép đo vận tốc hình ảnh hạt và máy ảnh tốc độ cao được sử dụng để xác định hiệu ứng ngăn chặn của DACS.

Các hạt sol khí đến gần DACS đột ngột bị uốn cong về phía cổng hút, báo hiệu dòng chảy của rèm lọc không khí đã chặn hoàn toàn tất cả các hạt sol khí đi vào. Khi các nhà nghiên cứu đặt cánh tay của ma-nơ-canh qua DACS để mô phỏng một kịch bản lấy mẫu máu, họ nhận thấy luồng không khí phía trên cánh tay bị phân tách. Tuy nhiên, hiệu suất ngăn chặn sol khí vẫn không bị ảnh hưởng.

DACS đã được thử nghiệm trên bệnh nhân trong quá trình lấy máu tại Bệnh viện Đại học Nagoya. Nhóm nghiên cứu đang xem xét hạ thấp cổng hút để cánh tay có thể được đặt bên dưới tim khi lấy máu cho phù hợp.

N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/desktop-air-curtain-system-developed-that-prevents-spread-of-covid-19/, 17/5/2022