Hội thảo Bồi dưỡng kỹ năng truyền thông khoa học và công nghệ
- Thứ sáu - 27/12/2019 14:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 12/12/2019, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ đã tổ chức hội thảo “Bồi dưỡng kỹ năng truyền thông khoa học và công nghệ năm 2019” với mục tiêu tăng cường năng lực, nghiệp vụ báo chí, truyền thông cho các đồng chí là Lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN; PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân, Văn phòng Quốc hội; Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cùng các lãnh đạo, các cán bộ phụ trách công tác truyền thông trong lĩnh vực KH&CN,…
Tại Hội thảo, Ông Trần Quang Tuấn cho biết, Đảng và nhà nước ta luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Nghị quyết số 02-NQ/TW khóa VIII ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 gồm: Tạo lập thị trường cho KH&CN; Chính sách đối với cán bộ KH&CN; Phát động phong trào quần chúng tiến quân vào KH&CN; Tăng đầu tư cho phát triển KH&CN từ nhiều nguồn; Hợp tác quốc tế về KH&CN; Tăng cường kiểm soát, giám định công nghệ và chất lượng sản phẩm; Đổi mới hệ thống tổ chức quản lý hoạt động KH&CN; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức KH&CN”. Cùng với đó Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế cũng tiếp tục khẳng định phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện tại, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng trong quản lý nhà nước về KH&CN với các công cụ pháp luật và môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Thông qua Hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, đã từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, thực hiện cơ chế khoán chi trong KH&CN; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức KH&CN; tạo môi trường học thuật tiên tiến và từng bước thí điểm chính sách quan trọng dụng cán bộ KH&CN tài năng. Doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia với chính sách dẫn đường của Chính phủ đã tạo đà cho khu vực tư nhân và các doanh nghiệp lớn xoay trục, đầu tư chiến lược cho công nghệ như Vingroup, FPT, Viettel, Thaco… Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên ý tưởng công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới trở thành một xu hướng tiến bộ thu hút sự quan tâm của người trẻ ở Việt Nam. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một đột phá mới, chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được chính thức giao cho Bộ KH&CN. Để có thể đưa nhanh những chủ trương, chính sách này vào cuộc sống, vai trò của truyền thông là hết sức quan trọng.
Trong các năm qua, Bộ KH&CN đã tổ chức họp báo định kỳ và đột xuất về hoạt động KH&CN. Đây là những dịp để Bộ KH&CN cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí nội dung thuộc phạm vi hoạt động của Bộ, những thành tựu, khó khăn của ngành cũng như những kế hoạch hoạt động trong thời gian tiếp theo. Trong thời gian tới, công tác báo chí cần phải tăng cường, nâng cao chất lượng hơn nữa.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các cán bộ phụ trách công tác truyền thông đã có dịp tiếp cận chuyên đề “Truyền thông chính sách: một số kinh nghiệm và thực tiễn” và chuyên đề “Một số kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực KH&CN” do hai báo cáo viên PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa và Đại sứ Lương Thanh Nghị trình bày. Các báo cáo viên nhấn mạnh rằng, Báo chí nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn trong công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí giờ không chỉ thuần túy là đưa thông tin mà phải có những phân tích, bình luận giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực và sự phát triển công nghệ truyền thông mới, báo chí cũng không đứng ngoài cuộc. Điều này tạo ra những thuận lợi cũng như thách thức cho các cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển.
Để báo chí tạo ra được hiệu ứng tích cực đối với xã hội, tuyên truyền sâu rộng phong phú mọi mặt của hoạt động KH&CN, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò cũng như khẳng định KH&CN là động lực phát triển kinh tế-xã hội; kết nối nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức cá nhân làm KH&CN với doanh nghiệp và đời sống xã hội, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác báo chí là một đòi hỏi cấp thiết, một nhiệm vụ quan trọng, cần được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan báo chí trong tình hình hiện nay.