Hội thảo "Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo"
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/12/2021 02:22 Cỡ chữ
Trong 2 ngày (10 và 11/12/2021) tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo vùng về “Kỹ thuật Cơ khí động lực, Năng lượng và Cơ khí chế tạo” (RCTEMME2021), với chủ đề “Hội nhập và Đổi mới để Phát triển bền vững”.
Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham dự, trong đó có các tác giả đến từ 11 quốc gia trên thế giới, 164 báo cáo xung quanh phát triển năng lượng bền vững, công nghệ chế tạo cơ khí, cơ khí động lực... của các tác giả có tầm ảnh hưởng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Philipin, Malaixia, Campuchia và Thái Lan… được trình bày trong 11 phân ban.
Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển về dân số và kinh tế toàn cầu. Điều này dẫn đến những yêu cầu về công nghệ và máy móc ngày càng phát triển để đáp ứng với những nhu cầu đang gia tăng. Năng lượng luôn là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển, bởi muốn chạy hay vận hành các máy móc, hệ thống, chúng ta cần năng lượng. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong vòng một thập kỷ tới, chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu về di chuyển và vận chuyển hàng hoá cũng thúc đẩy sự phát triển của vận tải và công nghệ trong lĩnh vực này. Xe điện, xe lai điện (xe hybrid) xuất hiện bên cạnh các dòng xe truyền thống.
Vấn đề về chuyển dịch sang năng lượng sạch, vật liệu mới, phát triển công nghệ mới trong máy móc, robot, thiết bị thông minh, ô tô, hệ thống cơ khí... để hướng tới phát triển bền vững đều là những đề tài nóng được trao đổi trong hội thảo lần này. Các diễn giả đã công bố nhiều nghiên cứu, giải pháp về chuyển dịch năng lượng, thiết bị giao thông thân thiện với môi trường và những bước tiến mới trong công nghệ chế tạo, tự động hoá, công nghệ robot, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng chuyển dịch năng lượng là xu hướng cả thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên hiện Việt Nam đang chuyển dịch chậm. Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và các năng lượng khác đạt xấp xỉ 25% tổng công suất điện nhưng lại chỉ cung cấp 4,3% sản lượng điện toàn quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, thiết bị giao thông vận tải, cơ khí chế tạo của các quốc gia trao đổi, giao lưu, qua đó trao đổi thông tin, những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, ứng dụng tại Việt Nam.
P.A.T (NASATI)